Trà matcha thực sự có thể dùng để trị bệnh ung thư?

Trà xanh đã từ lâu được công nhận là chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ giảm cân… Nhưng theo một nghiên cứu, trà xanh matcha có thể còn được dùng để điều trị ung thư.

Thử nghiệm cho thấy, trà vị đắng có thể phá huỷ nguồn cung cấp nhiên liệu, từ đó chặn đứng khả năng tế bào ung thư được tiếp năng lượng, khiến chúng không thể sinh sôi.

Tin vui: Loại trà có vị hơi đắng đang được giới trẻ ưa chuộng hiện nay lại có khả năng điều trị ung thư rất tốt - Ảnh 1.

Trà xanh đã từ lâu được công nhận là chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ giảm cân…

Các nhà nghiên cứu Đại học Salford đã gọi kết quả này là "vô cùng ấn tượng". Khi quyết định tiến hành nghiên cứu, họ đã hi vọng sẽ hiểu rõ hơn về những thành phần tiềm ẩn khả năng chống ung thư của trà matcha. Đã từ lâu, các nhà khoa học vẫn miệt mài tìm kiếm phương thuốc chữa căn bệnh đáng sợ này.

Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác động của chiết xuất trà matcha lên các tế bào gốc ung thư vú - vốn có thể biến đổi thành bất cứ tế bào khối u nào, phân chia và tự tái tạo. Họ sử dụng metabolic phenotyping (tạm dịch: kiểu hình chuyển hoá) - một quy trình khoa học đánh giá cách thức hợp chất tác động trực tiếp lên tế bào như thế nào. Kết quả, họ phát hiện chiết xuất trà matcha ức chế quá trình trao đổi chất của ty thể (mitochondria) - được coi là trạm năng lượng của mỗi tế bào.

Giáo sư Michael Lisanti, trưởng nhóm nghiên cứu, tiết lộ rằng, chiết xuất trà matcha đã biến chuyển tế bào ung thư hướng tới "tình trạng trao đổi chất bất hoạt". "Nói cách khác, trà matcha ngăn ngừa các tế bào nạp nhiên liệu và do đó, tế bào ung thư trở nên ngừng hoạt động rồi chết".

Như vậy, nghiên cứu trên cho thấy bằng chứng về việc trà xanh matcha "tác động mạnh mẽ" tới đường truyền tín hiệu mTOR - được biết tới với vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tế bào ung thư.

Chiết xuất matcha cũng làm suy yếu các thành tố của ribosome - bộ máy phân tử lớn và phức tạp, có mặt trong tế cả các tế bào sống, nơi xảy ra quá trình sinh tổng hợp protein.

Trong tương lai, trà matcha có thể được dùng theo cách tương tự rapamycin - một loại thuốc có tác dụng cắt đứt đường truyền mTOR. Giáo sư Lisanti bày tỏ: "Trà xanh matcha là một sản phẩm tự nhiên được dùng trong các sản phẩm chức năng ăn kiêng với tiềm năng lớn chữa trị nhiều loại bệnh. Tác động của trà matcha lên tế bào ung thư vú ở người là cực kỳ ấn tượng. Các hoạt chất trong matcha thể hiện tác dụng phẫu thuật trong việc khoá một số đường truyền tín hiệu nhất định.

Tin vui: Loại trà có vị hơi đắng đang được giới trẻ ưa chuộng hiện nay lại có khả năng điều trị ung thư rất tốt - Ảnh 2.

Theo một nghiên cứu, trà xanh matcha có thể còn được dùng để điều trị ung thư.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đồng nhất với ý tưởng matcha chứa đựng tiềm năng chữa bệnh vô cùng lớn. Cùng với đó là điều hoà sự tái lập trình trao đổi chất của tế bào ung thư".

Trước đó, Giáo sư Lisanti cùng đồng nghiệp cũng phát hiện bergamot – nguyên liệu có trong trà Earl Grey - giết chết được tế bào gốc ung thư.

Matcha là trà xanh dạng bột. Nó có nguồn gốc từ Nhật Bản, nơi được biết tới với các nghi thức trà đạo.

Martin Ledwick, phụ trách thông tin tại tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, tỏ ra thận trọng: "Chưa có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy trà xanh có thể giúp điều trị ung thư ở bệnh nhân. Mặc dù nghiên cứu sớm này cho thấy, trà xanh matcha tiêu diệt được tế bào ung thư vú được cấy trong phòng thí nghiệm, việc này vẫn rất khác so với hành động uống trà. Nghiên cứu ở những giai đoạn đầu gợi ý rằng, chiết xuất từ trà xanh có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, hiện tại, bằng chứng là chưa đủ thuyết phục và chúng ta cần sự xác thực từ các nghiên cứu trên người mới khẳng định được tác dụng này của trà xanh matcha".

Trà matcha là gì?

Trà matcha là một loại trà xanh dạng bột. Nó có nguồn gốc từ Nhật Bản, nơi nó được biết tới nhiều nhất với sự xuất hiện trong các nghi lễ trà đạo.

Matcha, các loại trà xanh khác và trà thông thường (hồng trà) thực sự được làm từ cùng một cây – cây chè Camellia sinensis.

Phần lớn trà xanh được chế biến đơn giản bằng cách hấp lá chè tươi. Nhưng để có được trà matcha, lại phải trải qua quá trình phức tạp hơn. Chỉ có phần đầu của lá chè tươi mới được chọn là làm bột trà matcha. Cây chè được che râm trong những tuần cuối cùng trước khi thu hoạch. Việc này hạn chế ánh sáng mặt trời đến cây trà, giúp gia tăng chất diệp lục, amino axit và chất chống oxy hoá.

Sau khi hái những lá chè tốt nhất, người ta sẽ hấp chúng, nhẹ nhàng hong khô nhờ khí trời và sau đó, nghiền thành bột mịn, loại bỏ bất chứ xơ lá nào.

Nguồn: DailyMail